Địa điểm: 72 Lê Trung Kiên, Phường 1, Tuy Hòa, Phú Yên
Thơi gian: mở cửa hàng ngày từ 06h30 – 20h00
Tháp Nhạn còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như: núi Bảo Tháp, núi Tháp Khỉ, núi Tháp Dinh, núi Nhạn Tháp. Nằm ở phía Bắc sông Đà Rằng.
Tên gọi “tháp Nhạn” được người dân ở đây giải thích là do có rất nhiều chim nhạn bay tới đây sinh sống, làm tổ nên ngọn tháp cũng được đặt theo tên của loài chim này.
Tháp Nhạn là ngọn tháp nổi tiếng ở Phú Yên gắn với nhiều điều huyền thoại bí ẩn chưa được giải đáp. Tháp nằm gần trên đỉnh ngọn núi ở bờ bắc sông Đà Rằng.
Theo truyền thuyến người chăm cho rằng, xưa kia có nàng tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần chỉ dạy cho người dân sống ở vùng đất này tất cả mọi thứ từ cấy cày, dệt vải, kéo sợi…để tìm cách mưu sinh. Sau khi tiên nữ quay trở lại cõi tiên, người dân Chăm-pa vì thương nhớ và muốn khắc ghi công ơn người khai sáng cho dân tộc mình bèn xây ngọn tháp ấy để phụng thờ.
Nằm ở độ cao 60 mét so với mực nước biển, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc và độc đáo phản ánh tôn giáo của Chăm Pa và sự tài hoa, khéo léo của người dân nơi đây.
Diện tích tổng thể của tháp gần 1000 mét vuông, tổng chiều cao gần 24 mét, xung quanh là tường bao chắc chắn, dưới nền được lát bằng những mảng gạch ngói. Đây là công trình cổ kính và đồ sộ với nét kiến trúc độc đáo và đặc trưng của người dân tộc Chăm.
Phần đỉnh tháp (hay còn gọi là nóc tháp) có 4 cửa sổ nhìn ra 4 hướng đất trời Phú Yên ứng với bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Đặc biệt, Đỉnh tòa tháp còn được đặt bức tượng đá Linga.
Đây là biểu tượng tâm linh, nét quen thuộc trong mỗi công trình kiến trúc đền, tháp và là đặc trưng nét tín ngưỡng của người dân tộc Chăm Pa cầu mong cuộc sống ấm no, vạn vật sinh sôi, nảy nở.
Tháp được xây bằng những viên gạch với những hình khối và diện tích khác nhau, với độ bền và chịu lực tác động lớn, nén tốt hơn những viên gạch thông thường. Và thứ dùng để kết dính những viên gạch lại với nhau vẫn còn là một ẩn số với ngày nay.
Các viên gạch gắn kết lại chắc chắn mà không có đường hồ nào lộ ra. Theo lời kể của người dân thì thứ kết dính những viên gạch của tháp được làm hoàn toàn từ những nguyên liệu trong tự nhiên.
Từ xa xưa, người Chăm đã hoàn toàn sử dụng thứ này xây dựng các công trình. Sau khi bào mòn những viên gạch sao cho bề mặt của mỗi viên khớp với nhau chúng sẽ được phết keo và đưa vào xây dựng.
Bốn góc bên ngoài tòa tháp có 4 họa tiết hình rồng được trạm khắc cách điệu công phu trên đá hoa cương. Điểm đáng chú ý hơn là bên trong tháp không có bệ thờ, cũng không có một bức tượng thờ nào, duy chỉ có một cái am được xây dựng từ thời Hậu Lê. Từ bên trong ngước mắt nhìn lên phía trên của đỉnh tháp bạn chỉ thấy khoảng không huyền bí, cao vút, sâu thẳm khơi gợi sự tò mò.
Một trong những hoạt động nổi tiếng ở Tháp Nhạn đó chính là Hội đêm thơ Nguyên Tiêu trên núi Nhạn. Hằng năm, các thi sĩ Phú Yên hội tụ với nhau trong đêm rằm tháng giêng, bất kể tầng lớp, độ tuổi, nghề nghiệp, quê quán… nhưng chỉ cần có tình yêu thơ ca họ tụ họp về đây, trên núi Nhạn, dưới chân tháp Nhạn để chia sẻ những tác phẩm, tình yêu thơ ca của mình.
Một tháng 2 lần, vào tối thứ bảy giữa tháng và cuối tháng, tại tháp Nhạn sẽ diễn ra các hoạt động văn nghệ, văn hóa đặc sắc.