Bia Tổ Quốc Ghi Công Chiến Sĩ Gạc Ma Khu Trung Bày Kỷ Niệm Chiến Sĩ Gạc Ma khu-tuong-niem-chien-si-gac-ma
Kiến trúc khu tưởng niệm Chiến Sĩ Gạc Ma

Khu Tưởng Niệm Chiến Sĩ Gạc Ma

Điểm nổi bật của Khu Tưởng Niệm Chiến Sĩ Gạc Ma

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là một công trình lịch sử tâm linh mang tầm vóc quốc gia, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong bối cảnh cả nước hướng về biển đảo thân yêu

Địa điểm gần Khu Tưởng Niệm Chiến Sĩ Gạc Ma

Cách sân bay Cam Ranh: 2 Km
Cách Khu Du Lịch Bãi Dài: 3 Km
Cách Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa: 1 Km
Cách Selectum Noa Resort Cam Ranh: 1,5 Km

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là một công trình lịch sử tâm linh mang tầm vóc quốc gia, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong bối cảnh cả nước hướng về biển đảo thân yêu. Đây là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, được xây dựng để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Gạc Ma đã trở thành điểm đến đầy xúc động và khó quên trong lòng du khách khi đi Du Lịch Nha Trang – Khánh Hoà.

Giới Thiệu Về Khu Tưởng Niệm Chiến Sĩ Gạc Ma

Nằm trên triền cát trắng gió lộng, trong lòng vịnh Cam Ranh xinh đẹp, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tọa lạc tại vị trí trung tâm của Bãi Dài, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Công trình này được xây dựng bằng công sức, tâm huyết của công đoàn viên, người lao động và các tổ chức công đoàn trên khắp cả nước. Đây là nơi thể hiện lòng biết ơn, tình cảm tri ân sâu sắc đối với những người đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo.

Kiến trúc về Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma

Kiến trúc khu tưởng niệm Chiến Sĩ Gạc Ma
Kiến trúc khu tưởng niệm Chiến Sĩ Gạc Ma

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Được khởi xướng bởi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khu tưởng niệm này là nơi tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Công trình chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7 năm 2017, với tổng mức đầu tư hơn 130 tỷ đồng, được đóng góp bởi đoàn viên Công đoàn và người lao động trên khắp cả nước.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trải rộng trên diện tích 2,5 ha, nằm trên một ngọn đồi cát phía đông đại lộ Nguyễn Tất Thành. Nổi bật tại đây là cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” với “Vòng tròn bất tử” cao 15,9m.

Tượng Đài Chiến Sĩ Gạc Ma

Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma khắc họa hình ảnh các chiến sĩ với tinh thần hiên ngang, bất khuất, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ độc lập và chủ quyền của Tổ quốc. Tượng đài gồm cụm 9 nhân vật, đại diện cho 64 chiến sĩ, trong tư thế giương cao lá cờ Tổ quốc trước lúc hy sinh.

Nổi bật giữa đất trời bao la, Tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma – trái tim của Khu tưởng niệm – sừng sững thế đứng hiên ngang cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh thẫm. Tượng đài có tên “Những người nằm lại phía chân trời” khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm của Tổ quốc, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu mốc chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma.

Khu Trưng Bày Ngầm

Khu trưng bày ngầm, nơi lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Những bông hoa muống biển tượng trưng cho 64 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, là biểu tượng của lòng dũng cảm và sự hy sinh cao cả.

Khu trưng bày ngầm được xây dựng dưới mặt đất, nằm ở vị trí trung tâm. Nơi đây tái hiện lại và bảo quản, lưu giữ những hiện vật lịch sử về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, biển đảo Việt Nam và các chiến sĩ Gạc Ma cùng sự kiện ngày 14/3/1988.

Mộ Gió Tại Tượng Đài Chiến Sĩ Gạc Ma

Mộ gió là khu vực tâm linh nhất của khu tưởng niệm, nơi đặt Bia ghi danh sách 64 liệt sĩ hy sinh với đầy đủ họ, tên, địa chỉ. Mộ không có hài cốt, chỉ nhờ gió đưa hương hồn các anh hội tụ về đây nên được gọi là Mộ gió.

Bia Tổ Quốc Ghi Công Chiến Sĩ Gạc Ma
Bia Tổ Quốc Ghi Công Chiến Sĩ Gạc Ma

Quảng Trường Hòa Bình

Quảng trường Hòa bình là không gian khoáng đạt nổi bật với hình ảnh chim bồ câu tung cánh bay về hướng biển, thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Sự Kiện Lịch Sử Đảo Gạc Ma 1988

Năm 1988 đánh dấu một giai đoạn khó khăn đỉnh điểm của Việt Nam khi nền kinh tế trong nước gặp khủng hoảng nghiêm trọng, trong khi Liên Xô, đồng minh quan trọng, cũng đang đối mặt với những thách thức cải tổ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã tiến hành chiếm đóng trái phép các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bao gồm Đảo Gạc Ma, Đảo Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Subi, và Huy Gơ. Họ đã tăng cường lực lượng hải quân với 12 tàu chiến hiện đại hoạt động tại khu vực này.

Trận Gạc Ma năm 1988

Trước tình hình căng thẳng, hải quân Việt Nam đã xây dựng thế trận phòng thủ tại các đảo Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, và Tốc Tan nhằm ngăn chặn sự mở rộng của Trung Quốc. Việt Nam quyết định nhanh chóng đưa lực lượng ra đóng giữ các đảo trong giai đoạn 1988-1990. Bộ Tư lệnh Hải quân đã phát động chiến dịch Bảo vệ chủ quyền 1988 (CQ-88) với mục tiêu bảo vệ Đảo Gạc Ma, Cô Lin, và Len Đao.

Vào đầu tháng 3/1988, các tàu vận tải HQ 604, HQ 605, và HQ 505 được lệnh đưa công binh và chiến sĩ ra xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma. Sáng ngày 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu lên Đảo Gạc Ma, quân Trung Quốc đã đưa tàu chiến đến ngăn cản, dẫn đến cuộc xung đột đẫm máu.

 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã hy sinh, và 9 người khác bị bắt làm tù binh. Tàu HQ 604 bị bắn chìm, HQ 605 bảo vệ bãi Len Đao cũng chịu chung số phận, trong khi HQ 505 bị bắn cháy phần đuôi nhưng đã kịp lao lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin.

Bức Thư Chiến Sĩ Gạc Ma Biên Cho Gia Đình
Bức Thư Chiến Sĩ Gạc Ma Biên Cho Gia Đình

Đảo Gạc Ma được ví như một pháo đài chiến lược

GS Nguyễn Đăng Hưng từ Đại học Liège, Bỉ, cho rằng Trung Quốc đã chọn Đảo Gạc Ma làm pháo đài chiến lược giữa biển Đông. Vị trí của Đảo Gạc Ma gần như nằm giữa Việt Nam và Philippines, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc kiểm soát khu vực này. Với việc chiếm được Hoàng Sa, Trung Quốc đã tạo ra thế gọng kìm tam giác từ Hải Nam xuống Hoàng Sa và Gạc Ma để khống chế biển Đông.

Sự kiện Đảo Gạc Ma là một phần quan trọng trong lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Dù đã trải qua nhiều năm, nhưng những hy sinh của các chiến sĩ hải quân Việt Nam không thể bị lãng quên. Việc công khai và ghi nhớ lịch sử là cần thiết để thế hệ sau hiểu rõ hơn về những thách thức và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của dân tộc.

Khu tưởng niệm Chiến Sĩ Gạc Ma ngày nay

Khu Trung Bày Kỷ Niệm Chiến Sĩ Gạc Ma
Khu Trung Bày Kỷ Niệm Chiến Sĩ Gạc Ma

Ngày 22.7.2022, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã thống nhất với Tỉnh ủy Khánh Hòa về việc xây dựng giai đoạn 2 với các công trình công viên biển đảo, gắn kết hài hòa với khu bảo tàng Trường Sa, nhà trưng bày phục vụ khách tham quan, trở thành địa điểm du lịch Nha Trang – Khánh Hoà. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma giờ đây đã xanh ngát màu của cỏ cây, hoa lá, chim hót líu lo trên những cây bàng vuông, cây phong ba được đưa từ ngoài đảo về trồng.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma không chỉ là một địa chỉ để tưởng nhớ mà còn là nơi khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước, tình yêu biển đảo cho các thế hệ. Đây là nơi diễn ra các hoạt động trang nghiêm như lễ kết nạp Đảng viên, Đoàn viên, là nơi sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử của nhiều trường học và du khách tham quan. Gạc Ma đã trở thành tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim nhân dân Việt Nam.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma không chỉ là nơi tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ mà còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Đây là nơi người dân và du khách có thể đến để tưởng niệm 64 người con của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là một biểu tượng của lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Hãy đến và cảm nhận sự thiêng liêng, lòng tự hào dân tộc tại nơi đây.

Xem thêm:  Anh Hùng Lịch sử Khánh Hoà